![]()
Ảnh: Đức Nghĩa
Những ngọn núi đá vôi nhấp nhô trên mặt biển, bờ cát trắng mịn, những hang động kỳ vĩ, con đường mòn xuyên rừng quốc gia Cát Bà hay làng chài Việt Hải hoang sơ... là những điểm đến hấp dẫn tại Cát Bà (huyện Cát Hải). Sự kiện quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) cùng vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bốn mùa.
“Viên ngọc” giữa biển
Cuối tháng 10, cơn gió nhẹ se lạnh chớm đông về với đảo Cát Bà. Lá vàng lay động trên khắp cánh rừng quốc gia và từng con đường nhỏ bao quanh núi tại hòn đảo xinh đẹp này. Lênh đênh trên vịnh Lan Hạ là những chiếc tàu xuyên đêm chở du khách ngắm biển với những hòn đảo đá nhấp nhô giữa biển nước xanh trong, những bãi cát trắng mịn màng và thưởng thức ẩm thực biển. Đây là một góc trải nghiệm không còn lạ tại Cát Bà những năm gần đây.
Anh Đoàn Mạnh Tiến, ở thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải), làm nghề lái tàu biển trên vịnh Lan Hạ cho biết: Nếu như trước đây, vào mùa thu và đông, Cát Bà tương đối vắng khách du lịch, thì những năm gần đây, lượng khách đến nhiều hơn. Khi nước biển lạnh không thể tắm, nhiều du khách lựa chọn ngắm bình minh, hoàng hôn biển và hệ thống núi đá vôi kỳ vĩ ngay trên thuyền, chèo thuyền kayak khám phá làng nổi Cái Bèo, thưởng thức các món ăn hải sản đặc trưng của Hải Phòng. Tại Cát Bà, hiện có nhiều tàu chở khách tham quan, lưu trú đang hoạt động với dịch vụ từ 3 đến 5 sao, đáp ứng được nhiều nhóm khách khác nhau, nên khai thác được thế mạnh cảnh biển tại Cát Bà vào thu đông.
Còn đối với nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội, tối 20-10, vừa qua, Lễ hội âm nhạc điện tử Cát Bà EDM Music Festival thực sự là “bữa tiệc âm nhạc” ấn tượng, sôi động và đậm sắc màu ánh sáng. Bạn Đỗ Đình Long, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Lúc đầu, cả nhóm định chọn đi du lịch tại miền Trung, tuy nhiên chi phí khá cao do phải di chuyển bằng máy bay. Được biết Cát Bà tổ chức Tuần Văn hóa, thể thao, du lịch “Cát Bà - Điểm hẹn bốn mùa” từ ngày 20 đến ngày 22-10, cả nhóm quyết định đến Cát Bà và thực sự đây là lựa chọn hữu ích. Nhóm của Long trải nghiệm leo núi, chèo thuyền kayak trên vịnh Lan Hạ, đi làng chài Việt Hải trước khi đến với lễ hội âm nhạc vào buổi tối. 3/7 thành viên của nhóm còn đăng ký giải chạy việt dã tổ chức ngày 22-10 trên cung đường vòng quanh đảo. “Cát Bà thực sự có nhiều tiềm năng để trải nghiệm, từ du lịch biển, núi, rừng đến ẩm thực. Đây chính là tiền đề quan trọng thu hút du khách. Nếu được quản lý và khai thác tốt, chắc chắn không lo Cát Bà “ngủ đông” - bạn Long vui vẻ nhận định.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải, tỉnh đến hết tháng 9-2023, tổng lượt khách đến Cát Bà ước đạt hơn 2,4 triệu lượt khách (bằng 119,7% so với cùng kỳ 2022). Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 2.240,7 tỷ đồng (bằng 126,6% so với cùng kỳ 2022). Chỉ tính riêng tháng 9-2023 tháng được cho là “du lịch biển vào trái mùa”, tổng lượt khách du lịch đến Cát Bà vẫn đạt hơn 299 nghìn lượt khách. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 59.500 lượt khách và khách nội địa ước đạt 239.709 lượt khách. Tính từ đầu năm đến tháng 9-2023, loại hình trải nghiệm tham quan ngủ đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đạt 727.720 lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 121,5 tỷ đồng (đạt 101,33% kế hoạch giao đầu năm 120 tỷ). Những con số trên cho thấy Cát Bà không “ngủ đông” mà đang chuyển mình, thu hút mạnh mẽ khách du lịch.
Quảng bá đi liền với chất lượng
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu về phát triển du lịch đối với Hải Phòng là đến năm 2025, Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long (Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Sự phát triển của du lịch của Cát Bà nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của Hải Phòng. Tuy nhiên, để du lịch Cát Bà đạt được mục tiêu này, khắc phục tình trạng du lịch “một mùa” là việc cần làm ngay. Hiện nay, huyện Cát Hải đang đẩy mạnh công tác quản lý du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa Cát Bà thành “điểm hẹn bốn mùa” hấp dẫn du khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà tranh thủ quảng bá, thiết kế và hoàn thiện sản phẩm du lịch để đón du khách, nhất là khách quốc tế trong thời gian tới.
![]()
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải Phạm Trí Tuyến thông tin: Trên địa bàn toàn huyện có 313 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 6.566 phòng nghỉ, với 11.806 giường; có 129 tàu chở khách tham quan, lưu trú nghỉ đêm đang hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà với 1.117 phòng nghỉ trên vịnh; có 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn có hơn 100 hộ gia đình có phòng nghỉ phục vụ du khách vào mùa du lịch cao điểm. Như vậy, cơ sở lưu trú và các dịch vụ phụ trợ hiện nay đáp ứng được phần nào nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước. Năm nay cũng là năm thứ 2 UBND huyện tổ chức tuần lễ “Cát Bà - Điểm hẹn 4 mùa” với chuỗi hoạt động lễ hội âm nhạc, triển lãm xe cổ, giải chạy việt dã... nhằm kích cầu thu hút khách du lịch đến với Cát Bà vào mùa thu đông. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch sau khi quần đảo Cát Bà cùng vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ có những chính sách phù hợp, thúc đẩy các nhà hàng, khách sạn năng cấp chất lượng phục vụ, bình ổn giá cả, nâng tầm ẩm thực địa phương, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với Cát Bà dịp thu đông.
Cũng cần nhìn nhận thực tế, bên cạnh nỗ lực của các địa phương, hoạt động kinh doanh ẩm thực tại Cát Bà còn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất chậm đổi mới, chậm được đầu tư, phục vụ chưa chuyên nghiệp; công tác quảng bá, xúc tiến chưa có chiến lược bài bản, nên hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng. Anh Vũ Quang Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Alo Tour cho rằng việc quảng bá xúc tiến du lịch là rất quan trọng, nhưng cần song hành với chất lượng thực tế. “Sức chứa của Cát Bà hiện còn hạn chế, nên các công ty lữ hành phải thiết kế các chương trình du lịch sao cho thuận tiện, quãng đường đi ngắn nhất, chi phí hợp lý nhất.. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là khu vực hai đầu bến phà Gót và Cái Viềng để nâng cao năng lực vận chuyển khách đến đảo Cát Bà. Ngoài ra, cần thiết kế để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động ngành du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp, hướng tới hình ảnh du lịch Cát Bà thân thiện, chuyên nghiệp.
Thế mạnh của di sản thiên nhiên thế giới là ưu thế giúp quần đảo Cát Bà có thể hoạt động du lịch suốt 4 mùa. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của cả doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý cùng khắc phục hạn chế, chủ động, linh hoạt nắm bắt thời cơ, thích ứng nhanh với công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá du lịch, nhằm bắt nhịp tốt xu hướng du lịch hiện đại, đưa Cát Bà trở thành “điểm đến 4 mùa” khu vực phía Bắc.
Theo Báo Hải Phòng