Được coi là hướng đi mới, nhiều tiềm năng phát triển, du lịch trải nghiệm nồng nghiệp chủ yếu khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ du khách. Đẩy mạnh khai thác thế mạnh về nông nghiệp của thành phố làm du lịch góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Nhiều tiềm năng, nhưng chậm khai thác
Trong tiết trời mùa thu mát dịu, gia đình chị Mai Thị Hiền, ở phố Lê Lai, phường Lạc Viên (quận Ngô Quyền) có dịp làm nông dân 1 ngày tại Nông trại vui vẻ (quận Dương Kinh). Chị Hiền chia sẻ, điều hài lòng nhất là 2 con nhỏ có những trải nghiệm vừa quen vừa lạ khi lần đầu được tự tay trồng rau cải xanh, hái dưa, tát nước, cho các thú nuôi, như: thỏ, lợn, bò ăn.. Cả ngày dài, các con quên hẳn điện thoại, ipad, vui vẻ nô đùa trong không khí trong lành, mát mẻ, nhiều cây xanh.

Chị Trần Thị Quỳnh Vân, chủ nông trại trên cho biết, việc tham gia cùng nông dân thu hoạch, gieo trồng, chăm sóc cây trồng trên đồng ruộng là dịp để du khách thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Bên cạnh đó, thông qua loại hình này, nông dân có dịp quảng bá sản phẩm và gia tăng thu nhập so với hoạt động sản xuất nông nghiệp đơn thuần. Hướng đi này giúp chị đa dạng nguồn thu, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ làm nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, rủi ro về thời tiết, dịch bệnh... Do đó, du lịch nông nghiệp chưa thực sự phát huy hết tiềm năng.
Được biết đến với nhiều đặc sản, huyện Kiến Thụy còn có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp như quần thể núi Đối - sông Đa Độ, hơn 700 ha rừng ngập mặn ở xã Đại Hợp, khu vực ruộng rươi rộng lớn ở 2 xã Kiến Quốc và Ngũ Phúc... Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND huyện Kiến Thụy, năm 2022, địa phương chỉ đón hơn 50 nghìn lượt du khách, nằm ở nhóm cuối danh sách các quận, huyện; chỉ bằng 1/140 lượt khách du lịch đến thành phố trong năm (hơn 7 triệu lượt).
Trên thực tế, không chỉ riêng Kiến Thụy, du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố nhiều năm nay chưa thực sự phát huy hiệu quả kinh tế. Phần lớn các điểm du lịch nông nghiệp thôn đều thưa, vắng khách du lịch.
Sớm tháo gỡ vướng mắc, tăng cường liên kết phát triển
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, hiện nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư vào du lịch nông nghiệp, nhưng còn rào cản về chính sách cũng như hạ tầng. Để xây dựng điểm du lịch nông nghiệp, chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống. Trong khi đất tích tụ là đất nông nghiệp, theo quy định của pháp luật không được phép xây dựng công trình kiên cố. Đối với công trình tạm phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, ngày 11-5-2023, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1246/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030. Thành phố dự kiến hỗ trợ mỗi huyện có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù, sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP theo mô hình chuỗi liên kết cung ứng với sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp. Theo đề án, thành phố dự kiến trích 24 tỷ đồng, trung bình 3 tỷ đồng/năm được lồng ghép trong kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, sự nghiệp của các sở, ngành trong dự toán chi ngân sách hằng năm cho du lịch nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó có tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quá trình tích tụ ruộng đất, cũng như xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp./.
Theo Báo Hải Phòng. Ảnh sưu tầm