image banner
Những món ngon ngày đông ở Hải Phòng

Bánh đa cua là món ăn nổi tiếng của Hải Phòng. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm hàng bánh đa cua ở bất cứ tuyến phố nào. Nguyên liệu chế biến bánh đa cua là những sản phẩm của đồng quê như cua đồng, lá lốt, rau muống… nhưng qua bàn tay khéo léo của người nấu đã trở thành món ăn đặc sắc, mang bản chất rất riêng của người Hải Phòng.

1. Bánh đa cua:

Bánh đa cua là món ăn nổi tiếng của Hải Phòng. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm hàng bánh đa cua ở bất cứ tuyến phố nào. Nguyên liệu chế biến bánh đa cua là những sản phẩm của đồng quê như cua đồng, lá lốt, rau muống… nhưng qua bàn tay khéo léo của người nấu đã trở thành món ăn đặc sắc, mang bản chất rất riêng của người Hải Phòng. Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ năm màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng ruộm của hành khô. Chính màu sắc bắt mắt kết hợp với hương vị thơm ngon, béo ngậy mà bát bánh đa cua nóng hổi đã níu chân biết bao thực khách khi đến Hải Phòng ngày đông.

Địa chỉ tham khảo: 16 Phan Chu Trinh, bánh đa cô Yến số 2B Phạm Ngũ Lão…

2. Bánh bèo


Ảnh minh họa

Bánh bèo Hải Phòng là sự kết hợp hoàn hảo của bột gạo; hành khô, mộc nhĩ, thịt lợn để làm nhân bánh và nước chấm đặc biệt được chế biến từ nước xương. Bánh được đặt trong từng khuôn lá chuối khum khum như chiếc thuyền con. Phần bột được khéo léo rót vào trước rồi mới đặt nhân lên trên để sau khi hấp, phần nhân nổi lên đẹp mắt. Đĩa bánh bèo được coi là chuẩn vị khi lớp bột bánh ăn mềm nhưng không nát, bột bánh chắc miếng nhưng cắn vào là tan dần trong miệng, vị bột ngọt kết hợp với nhân thịt băm đậm và thơm, thêm chút mắm mặn ấm, chút vị chua của quất, chút tê tê khi thêm bột ớt cùng hạt tiêu…,hít hà mấy chốc đã thấy vừa no vừa ấm.

Địa chỉ tham khảo: Chợ Lương Văn Can, phố Lê Đại Hành, chợ Đổ

3. Bánh đúc tàu



Với người Hải Phòng, bánh đúc Tàu đã trở thành món ăn không thể thiếu vào những ngày đông. Một bát bánh đúc tàu gồm có bánh đúc mịn được cắt nhỏ, tôm thịt được rán kỹ, mộc nhĩ thái sợi, đu đủ xắt hạt lựu chan thêm nước mắm giấm ớt chua cay ngọt. Những bát bánh đúc khi đến tay thực khách luôn nóng hổi dậy mùi đặc trưng tạo nên hương vị vô cùng hấp dẫn. Bánh đúc mềm thơm, thịt tôm giòn hòa quyện cùng mắm giấm vừa miệng làm hài long ngay cả những thực khách khó tính nhất.

Địa chỉ tham khảo: Quán bánh đúc tàu ở Ngã tư Cát Dài - Cát Cụt (đoạn vỉa hè 186 Cát Dài).

4. Giá bể xào



Giá bể xào là một trong những món ăn ưa thích của người dân Hải Phòng đặc biệt vào mùa đông. Giá bể xào có màu vàng của nghệ, pha chút màu xanh của giá bể, hòa quyện trong nước xốt sánh mịn. “Ăn giá bể chẳng vội được đâu” bởi vị mềm ngọt, béo ngậy, thơm ngon của giá bể lại ẩn sau một lớp vỏ, khi ăn, người ăn phải thưởng thức từng con một.

Bát giá bể nóng hổi, vàng ươm, thơm nức thường được rắc thêm một ít rau thơm. Khi ăn sẽ đảo đều lên, tạo nên một hương vị đặc trưng, khó quên.

Địa chỉ tham khảo: Chợ Cố đạo, chợ Lương Văn Can

5. Sủi dìn, chè vừng


Ảnh: Cẩm nang Hải Phòng

Sủi dìn và chè vừng là món ăn có xuất xứ từ cộng đồng người Hoa trước đây sống ở Hải Phòng. Sủi dìn khá giống bánh trôi tàu nhưng nhỏ hơn. Bên trong sủi dìn là bột nếp, vừng đen, gừng cùng những hương liệu đặc biệt. Sủi dìn được ăn cùng với nước gừng nóng hổi và thơm phức.

Chè vừng mang một màu đen huyền bí khá độc đáo, lạ mắt và lạ miệng. Chè vừng đặc sánh, thơm thơm, khi ăn cảm nhận được mùi thơm của mè đen, vị ngọt bùi của nước cốt dừa, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn ngọt, béo, cuốn hút vô cùng.

Sủi dìn và chè vừng là hai món ăn thường được thưởng thực vào mùa đông tại Hải Phòng.

Địa chỉ tham khảo:

Quán Sủi dìn Đông Dung số 161 Cầu Đất. Quán Sủi dìn số 49 Đinh Tiên Hoàng. Quán Sủi dìn số 133 Lương Khánh Thiện…

6. Trà cúc, hạt dẻ

Ảnh: An Trà (dantri.com.vn)

Ly trà cúc thơm dịu được ví tương đồng với nhịp sống chậm của người dân Hải Phòng, không hối hả, sôi động như Hà Nội hay Sài Gòn. Trà cúc ngon có màu vàng ngả nâu đậm, toả hương thơm phức. Một cốc trà đúng điệu phải có chuẩn 3 vị: vị đắng ngọt hơi ngai ngái nơi đầu lưỡi nhưng thanh tao của hoa cúc, vị ngọt thơm của những lát cam thảo và vị chát của trà. Để tất cả những hương vị ấy cùng hoà quyện và lan toả, người pha chế cho thêm vị chua dịu của quất. Người không quen có thể thấy khó uống lần đầu tiên do vị đắng chát, song dần dần, vị ngọt lan khắp miệng, càng uống càng đượm. Uống trà cúc, ăn hạt dẻ nóng, cắn hạt hướng dương tí tách đã trở thành một thói quen của người Hải Phòng, đặc biệt trong những ngày đông gió lạnh.

Địa chỉ tham khảo: Phố Phan Bội Châu

7. Cháo cay



Cháo cay được nấu từ nước hầm xương và gạo xay nhuyễn. Tùy khẩu vị thực khách mà có thêm nhân thịt, nhân trai hoặc thịt lươn xào nêm nếm vừa ăn. Cháo cay ở Hải Phòng thường được ăn cùng ruốc và quẩy. Đặc biệt một gia vị không thể thiếu và cũng là nhân tốt góp phần tạo nên tên của món ăn đó chính là ớt xào. Cháo cay phải ăn nóng mới ngon, món ăn khác biệt ở chỗ ăn mãi mà không thấy ngấy, càng ăn lại càng thèm.

Địa chỉ tham khảo: Các quán cháo trên đường Trần Bình Trọng

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0