image banner
Hương vị bánh đa vừng cổ truyền

Nối nghiệp cha ông để lại, chị Trịnh Thị Lưỡng, ở thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy thành công trong việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất bánh đa vừng truyền thống, thơm ngon, có thương hiệu, nổi tiếng trong vùng.

Từ xa xưa, những chiếc bánh đa giòn tan được các cụ cao niên sản xuất chủ yếu bằng đôi tay khéo leo, thuần thục trên vật dụng, công cụ thô sơ, lạc hậu… nhưng sản phẩm ra lò luôn hấp dẫn bởi có công thức, chế biến riêng lưu truyền. Chị Trịnh Thị Lưỡng cho biết: “Ngót nghét 30 năm gắn bó với nghề làm bánh đa mới thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của những người đi trước. Vì vậy, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm tôi nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư phương pháp, công nghệ mới. Đó là chuyển đổi mô hình từ thủ công sang sản xuất bằng máy, dựa trên quy trình khoa học”.

Ảnh: Thiên Long

Ngoài việc mua, sử dụng các loại máy như: tráng, xay bột, nướng, sấy…có giá hàng trăm triệu đồng. Chị lưỡng thuê 4 nhân viên làm việc thường xuyên tại nhà. Để có mẻ bánh đa nóng hổi, các công đoạn chế biến chuẩn bị từ ngày hôm trước. Khâu nhặt vừng cũng quan trọng không kém bởi nếu vừng không được nhặt kỹ bánh đa có thể bị nhám, dính sạn…Bánh ngon, chất lượng gạo hảo hạng; có thể sử dụng thêm gừng, đường, muối tùy khẩu vị (ngọt, mặn) đáp ứng nhu cầu của thực khách. Tất cả nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau theo tỉ lệ khuôn cho phép, trước khi tráng bằng máy. Bánh chín, vớt và trưng lên giá, nia để phơi khô. “Thông thường trong điều kiện tốt nhất nếu bánh phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc thời tiết râm mát, có gió từ 1-2 ngày. Trường hợp, ngày mưa cần dùng máy sấy chuyên dụng, nếu không bánh sẽ hỏng. Công đoạn phơi kết thúc, toàn bộ bánh đa đem nướng lại bằng than hoa và hoàn tất việc đóng gói” – chị Lưỡng chia sẻ.

Có kinh nghiệm làm nghề lâu năm, gia đình chị Lưỡng là một trong những hộ dân đi đầu ở địa phương sản xuất bánh đa vừng quy mô, hiệu quả cao, sản phẩm mang thương hiệu “đặc sản” trong vùng. Hằng ngày, thương lái khắp các nơi trên địa bàn thành phố trực tiếp đến thu mua với số lượng đặt hàng lớn. Trung bình, cơ sở sản xuất 1,5-2 tạ bánh/ngày thu nhập vài chục triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản chi phí.

Mặc dù ngày nay, cuộc sống khá giả, có nhiều món ăn ngon, đa dạng hơn, nhưng chị Trịnh Thị Lưỡng và người dân thôn Lạng Côn, xã Đông Phương nói riêng và người dân thành phố nói chung vẫn không thể quên và luôn tự hào về món bánh đa vừng nóng hổi, thơm ngon, giòn tan dân dã, đậm chất quê nhà. Vì thế việc giữ gìn lửa nghề sản xuất bánh đa vừng không bị mai một theo năm tháng, mà được các thế hệ nối tiếp góp phần duy trì, phát triển sản vật quê hương. 

                                                             Thiên Long – Báo Hải Phòng

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
  image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0